Gameshow truyền hình âm nhạc: Chuyển mình để chạm trái tim khán giả

VHO - Trong các thể loại gameshow, đề tài âm nhạc vẫn chiếm số lượng lớn trên sóng truyền hình vì tính phổ thông và dễ thu hút người xem. Tuy nhiên, từng một thời “chiếm sóng” trên các khung giờ vàng, nhưng nay các gameshow âm nhạc đã giảm sức hút, không còn đủ sức nóng để kéo khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ như trước.

Gameshow truyền hình âm nhạc: Chuyển mình để chạm trái tim khán giả - Anh 1

 “Ca sĩ mặt nạ” là một trong những gameshow âm nhạc thành công nhờ đổi mới tư duy làm chương trình Ảnh: BTC

 Phải chăng, số phận của những chương trình này lại bị chính tay nhà sản xuất “bóp nghẹt” bởi nhiều lý do?

“Vét cạn” tài năng

Thực tế, sau quá nhiều “phốt”, việc khán giả lắc đầu quay lưng cũng là điều dễ hiểu, bởi một trong những nguyên nhân quan trọng là chất lượng thí sinh đi xuống. Những gameshow từng được ví như “thỏi nam châm” hút “hạt giống” âm nhạc, nhưng chỉ sau đôi ba mùa tổ chức, cộng với việc hàng loạt show “ăn theo”, những chương trình này đã “vét cạn” tài năng âm nhạc khiến càng ngày chất lượng người chơi càng thụt lùi.

Minh chứng là, nếu như trước đây, khán giả thường thấy các bạn trẻ xách vali đi casting gameshow âm nhạc tại TP.HCM, thì hiện tại, hầu hết các cuộc thi đều tổ chức sơ tuyển ở cả ba miền. Tuy nhiên, tài năng khác với “nấm mọc sau mưa”; không phải cứ săn ráo riết là tìm ra “ngọc sáng”. Sau những vòng tuyển chọn, khi cảm thấy chưa thể có được gương mặt ưng ý, và trong bối cảnh chương trình vẫn phải diễn ra, hướng đi được nhà sản xuất lựa chọn nhiều khi là… nhờ tai tiếng.

Ví dụ cụ thể nhất là chương trình The Debut - Dự án số 1, mục đích của gameshow này là biến một người bình thường trở thành ngôi sao ca nhạc, có tư duy làm nghệ thuật hiện đại và khả năng tạo ra xu hướng. Thế nhưng, mỗi tập The Debut khi lên sóng đều như một “trò đùa” với khán giả, bởi những phần trình diễn nổi trội của thí sinh chẳng thấy đâu mà thay vào đó là màn đấu đá giữa các giám khảo; thậm chí, giám khảo chính “khơi khơi” cãi nhau tay đôi với giám khảo khách mời là phóng viên, nhà báo trên sóng truyền hình.

Điểm trừ tiếp theo của chương trình chính là scandal đạo nhạc của thí sinh Trần Văn An. Lý do anh này mang ca khúc đạo nhạc đến với chương trình là “muốn được trải qua cảm giác bị chỉ trích như Sơn Tùng M-TP khi đối diện với những lần vướng nghi án đạo nhạc”. Sau khi lên sóng, khán giả thể hiện sự bức xúc và đặt dấu hỏi về việc có hay không BTC cố tình làm ngơ chuyện đạo nhạc, vì để được ra mắt, mọi tiết mục đều phải kiểm duyệt kỹ chứ không thể để thí sinh thích lên sân khấu hát gì thì hát, làm gì thì làm.

Gameshow truyền hình âm nhạc: Chuyển mình để chạm trái tim khán giả - Anh 2

 Thời gian qua, gameshow âm nhạc trên sóng truyền hình Việt đã có sự đầu tư hơn so với trước Ảnh: “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”

Có bột mới gột nên hồ

Với truyền hình thực tế, chất liệu quan trọng hàng đầu để tạo nên thành công chính là yếu tố người tham gia. Công thức: Tài năng kết hợp với câu chuyện thú vị của người chơi về hành trình đến với âm nhạc sẽ quyết định sức hút của gameshow. Tuy nhiên, với tư duy “bình bình thì mấy ai xem”, để chương trình không bị rơi vào quên lãng, nhà sản xuất buộc phải sử dụng đến chiêu trò. Đôi khi, chính thí sinh đã bị nhà sản xuất biến thành “quân cờ” trong “truyền thông bẩn” khiến tài năng thui chột. Biết tham gia show sẽ dễ trở thành tâm điểm của chỉ trích, nhiều bạn trẻ có thực lực ngại đăng ký thi, điều đó làm cho công chúng cũng mất đi cơ hội được nhìn thấy những gương mặt mới tỏa sáng trên sân khấu.

Để tạo được sự chú ý, ngoài thí sinh, các đơn vị tổ chức sẵn sàng “móc hầu bao” để mời những ngôi sao ăn khách vào đủ vai trò từ giám khảo, huấn luyện viên đến MC... Thế nhưng, họ lại quên rằng, trong một gameshow âm nhạc, ngoài dàn khách mời, việc đầu tư về chất lượng nhân lực làm công tác sản xuất phía sau cũng không được phép bỏ qua. Công chúng ngoài việc muốn được nhìn thấy thần tượng biểu diễn trên sân khấu còn mong muốn thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật thực sự chất lượng. Do không chú trọng đầu tư vào ê kíp sản xuất nên khán giả ít khi được nghe những bản phối mang màu sắc mới lạ, bắt tai, hot hit thì càng hiếm có khó tìm…

Nhưng may mắn, nhờ việc người xem ngày càng “tinh”, thời gian gần đây, một số gameshow âm nhạc chất lượng đang dần khởi sắc trở lại, dù còn khá chậm. Ca sĩ mặt nạ, La cà hát ca, Biển của hy vọng, Sàn chiến giọng hát… là những chương trình thành công vì tập trung vào yếu tố con người, thoát khỏi lối mòn khai thác của những sản phẩm cùng thể loại. Sự khắt khe của khán giả đã buộc nhà sản xuất phải lắng nghe, tự làm khó với chính mình, từ đó, nhiều gameshow âm nhạc hấp dẫn đã được “ra lò”.

Để đảm bảo cả hai tiêu chí giải trí và giáo dục, cơ quan quản lý cần giám sát chặt hơn nữa việc phát sóng của các chương trình âm nhạc; nhà đài, nhà sản xuất cũng phải nghiên cứu kỹ nội dung khi xây dựng và cả trước khi lên hình. Công chúng vẫn mong mỏi các gameshow âm nhạc sẽ ngày càng nội lực hơn, có thêm các màn trình diễn bùng nổ và những tác phẩm nghệ thuật mới hấp dẫn, chạm tới trái tim khán giả. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc